HƯỚNG DẪN KỸ THUẬT SẢN XUẤT GỖ TRANG TRÍ NỘI THẤT
ĐÁNH CƯỚC – GIẢ CỔ

 

          Trong giới mỹ nghệ trang trí nội- ngoại thất, kỹ thuật làm hàng gỗ giả cổ - đánh cước có thể đã quá quen thuộc. Đặc biệt đối với dòng sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu, hầu hết là hàng giả cổ trong đó đánh cước là một trong những sản phẩm thường thấy. Tuy vậy, kỹ thuật đánh cước chỉ có ở những công ty lớn và hầu như những thợ sơn PU tay nghề cao mới nắm kỹ thuật này. Do đó, để các thợ PU có thể nắm được quy trình làm đồ gỗ khá hay này, tôi sẽ trình bày một quy trình sản xuất hàng cước theo đúng chuẩn để các thợ PU tiện theo dõi.

          Quy trình làm hàng gỗ đánh cước có thể chia làm 5 bước cơ bản:

          Bước 1: Chuẩn bị bề mặt.

          Bề mặt sản phẩm cần được đánh cước trước. Tùy vào yêu cầu của khách mà cước đánh dày hay mỏng, sâu hay nông. Có thể dùng máy đánh cước hoặc dùng bàn chải cước để đánh. Sau khi đánh cước xong cần dùng nhám vải 150 xả sơ qua để sạch bề mặt gỗ.

          Bước 2: Stain màu.

          Đây là bước vô cùng quan trọng trong quá trình đánh cước, vì là bước tạo màu nền cho sản phẩm khi hoàn chỉnh. Màu Stain ở đây chính là tinh màu, thợ sơn pu có thể pha màu theo yêu cầu của khách hàng (hoặc có thể gọi cho chúng tôi để được hỗ trợ).

          Tinh màu sau khi được pha loãng với dung môi sẽ được Stain lên bề mặt gỗ, tùy vào màu sắc của gỗ với màu yêu cầu stain mà cần xử lý màu nền thật kỹ trước khi stain.

          Bước 3: Lót PU

          Đây là một kỹ thuật rất ít kỹ thuật sơn biết, kể cả các hàng xuất khẩu chúng ta vẫn có thể dùng lót pu để thực hiện bước này bởi màng sơn của lớp này rất mỏng. Mục đích của bước này là để khi lau sạch Glaze để sạch bề mặt gỗ mà không làm bong tróc, loang ố lớp stain bên trong. Nếu lớp này bạn dùng lót NC hoặc không lót mà tiến hành lau Glaze ngay thì sản phẩm của bạn sẽ không được sạch, màu nền sẽ bị loang lỗ rất xấu.

          Bước này khá đơn giản, bạn chỉ cần pha sơn lót PU theo tỷ lệ 2:1:3 (phổ biến trên thị trường) rồi phun một lớp mỏng trên bề mặt gỗ.

          Bước 4: Lau Glaze.

          Đối với hàng gỗ đánh cước, cước thường được lau bằng Glaze trắng hoặc trắng xám tùy yêu cầu. Trên thị trường hiện có nhiều loại dùng để lau cước, công ty chúng tôi cung cấp dòng Glaze hệ nước có ưu điểm vượt trội so với các loại khác là thời gian lau rất nhanh. Glaze đặc được đổ lên trên bề mặt gỗ, dùng vải sạch lau theo hướng vòng xoáy để Glaze chui sâu vào ghim, cước gỗ sau đó dùng vải lau sạch bề mặt gỗ, để ráo bề mặt gỗ (thời gian khoảng 10 phút).

          Sau khi lớp Glaze đã khô hoàn toàn, bạn  thể dùng xăng để lau nhẹ bề mặt gỗ để làm sạch các thớ gỗ còn dính Glaze và dùng nhám xả sơ để đánh bay các Glaze còn thừa. Đến đây sản phẩm hầu như đã hoàn thiện, do đó nếu màu nền của gỗ khác so với bảng màu, bạn có thể dặm màu cho hoàn thiện.

          Bước 5: Phủ bóng

          Đây là bước hoàn thiện sản phẩm, tùy theo yêu cầu của khách hàng mà dùng loại bóng phù hơp nhưng thường hàng xuất khẩu thì dùng bóng NC 10%. Pha bóng NC với xăng theo tỷ lệ 1:1.5 phủ một lớp nhẹ lên bề mặt gỗ, vì với dùng sản phẩm đánh cước yêu cầu lớp sơn không được dày quá sẽ làm lỳ bề mặt gỗ, không còn vẻ mộc mạc, giả cổ của gỗ.

          Trên đây tôi đã trình bày kỹ thuật sơn gỗ giả cổ - đánh cước, nếu các kỹ thuật sơn quan tâm xin vui lòng liên hệ để được trao đổi thêm cũng như đưa ra quy trình sơn tối ưu hơn. Trong bài viết sau tôi sẽ tiếp tục trình bày các kỹ thuật sơn đang được áp dụng phổ biến hiện nay.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN